Nhà vệ sinh rắc rối nhưng sung sướng của Nhật
Các gia đình ở Nhật, nhất là ở các thành phố lớn như Tokyo, Osaka, thường sống trong những ngôi nhà có diện tích nhỏ. Thiết kế bên trong cũng mang tính tối giản, không có nhiều nội thất xa hoa, cầu kỳ. Tuy nhiên, người Nhật luôn hướng tới sự hiện đại, tỉ mỉ và quan tâm tới từng nhu cầu của con người.
Nhiều người nước ngoài hoang mang khi lần đầu sử dụng WC ở Nhật. Bảng điều khiển có thể gắn liền với bồn cầu hoặc tách rời, gắn trên tường. Ảnh: Ebuild. |
Trong khi đa số các nhà nhỏ ở các nước hay kết hợp chung khu tắm và bồn cầu thì ở Nhật, hai khu vực này thường được tách riêng. Người dân quan niệm, khu tắm nên là nơi thư giãn thoải mái, cần sự sạch sẽ, không có mùi.
Khu vực lắp đặt bồn cầu cũng được giữ gìn vệ sinh, lắp đặt hệ thống khử mùi. Đặc biệt, đa số các hộ đều sử dụng loại bồn cầu thông minh với nhiều chức năng:
– Điều chỉnh nhiệt độ chỗ ngồi: Dù trong nhà WC có hệ thống sưởi, điều hòa thì bạn sẽ vẫn cảm thấy lạnh khi ngồi bồn cầu. Nhưng ở Nhật, bạn không cần lo lắng điều đó vì có thể điều chỉnh nhiệt độ chỗ ngồi theo ý muốn.
– Rửa trước và rửa sau: Giấy vệ sinh trong các nhà vệ sinh ở Nhật thường mỏng vì chúng chỉ còn chức năng lau khô. Thay vì sử dụng vòi xịt, bạn chỉ cần bấm nút trên bồn cầu để lựa chọn việc rửa trước, rửa sau.
Bảng điều khiển một số chức năng của WC như rửa, nước ấm, nhiệt độ chỗ ngồi… Ảnh: Japlanning. |
– Điều chỉnh nước: Người sử dụng có thể điều chỉnh nhiệt độ nước, cường độ nước, vị trí vòi rửa, chọn chế độ rửa massage với vòi rửa dịch chuyển.
– Đảm bảo vệ sinh: Ngay cả những chiếc bồn cầu cơ bản cũng được lắp đặt tính năng khử mùi kích hoạt tự động sau khi sử dụng. Ngoài ra, một số chiếc còn có chế độ tự động đóng nắp bồn cầu sau khi sử dụng.
– Nhạc: Người Nhật nổi tiếng luôn cố gắng giữ gìn hình ảnh của mình, không làm phiền người khác. Họ đã nghĩ ra việc sử dụng nhạc, âm thanh để át đi những tiếng động mà người sử dụng WC không muốn người bên ngoài nghe thấy.
Có rất nhiều chức năng tiện lợi nhưng kiểu WC của Nhật lại chủ yếu được ưa chuộng trong nước. Dù các công ty Nhật cố phát triển ra thị trường bên ngoài nhưng bảng hướng dẫn quá chi tiết cùng giá cả khiến nhiều gia đình ở các nước châu Âu, Mỹ không muốn đầu tư. Giá một bộ bồn cầu rẻ nhất cũng trên 10 triệu đồng, có sản phẩm lên tới cả trăm triệu.
Ban Mai